Khai thác sức mạnh của đường nét và tính biểu cảm trong nhiếp ảnh

Trong nhiếp ảnh, "nhìn" khác với "thấy". Với một bức ảnh có bố cục hay, người xem sẽ biết một cách chính xác chủ đề muốn nói. Còn với một bố cục không tốt, con mắt sẽ phải ‘lang thang’ để tìm kiếm đáp án, thậm chí có khi còn không thể tìm ra được chủ đề của bức ảnh.

Bố cục tốt sẽ giúp bạn truyền tải thông điệp qua cách thể hiện, sắp xếp các thành phần trong bức ảnh tới người xem một cách rõ ràng. Xây dựng bố cục tốt chính là sự khéo léo của người chụp khi đưa vào các hình dạng, sắc độ, vị trí chủ thể một cách thú vị và có thể hướng ánh mắt người xem vào đối tượng cụ thể.

Tìm ra những bố cục & đường nét bạn yêu thích, sáng tạo ra chúng lại là một phạm trù bao la mà một nhiếp ảnh gia phải nghiên cứu, theo đuổi trong cả sự nghiệp của họ.

Không có công thức, định nghĩa rõ ràng hay một quy trình theo từng bước đối với bố cục trong nhiếp ảnh. Điều này phụ thuộc vào cảm nhận, năng khiếu nghệ thuật của mỗi người. Đường nét là thành phần quan trọng trong bối cảnh, ngoài việc tạo hình, nó còn có thể “phát ngôn” cho bức ảnh nhờ việc tạo cảm giác ấn tượng về hình học. Trong bài viết này, chúng ta hãy thử đi sâu phân tích về các đường nét và tính biểu cảm trong nhiếp ảnh.

Đường thẳng đứng

Nếu đứng giữa hành lang của một lâu đài, dinh thự có các hàng cột đồ sộ, bạn sẽ cảm nhận được sự hoành tráng, vững vàng của công trình đó. Hay đứng trong một giáo đường, một đền thờ theo kiến trúc La Mã chắc hẳn bạn sẽ có cảm giác nhỏ bé trước sự nghiêm trang tại công trình kiến trúc ở nơi đó.

Tất cả những cảm giác có được là do những đường thẳng đứng vươn cao trong không gian tạo nên một bối cảnh gồm những đường thẳng tắp luôn cho chúng ta cảm giác về sự vững vàng, nghiêm trang, mạnh mẽ...

 

'Phật tử cầu nguyện' của NAG Trần Tuấn Việt vào top 70 ảnh đẹp nhất năm của National Geographic

 

Khi trước mặt bạn là những hàng cây thẳng tắp vươn cao trong một rừng thông chẳng bạn sẽ mang lại cho ta cảm giác nghiêm trang, mạnh mẽ và vững vàng.

Ảnh: WallpaperUP

Đường nằm ngang

Đường nằm ngang sẽ tạo cảm giác an bình, bao la nhẹ nhàng, thanh thản với một không gian rộng mở hoặc sự xa xăm vô định trước mắt người xem.

Ảnh: NAG Tuấn Nguyễn 

 

Ảnh: NAG Tuấn Nguyễn 

 

Ảnh: shutterstock

 Đường chéo

Tạo cảm giác mạnh mẽ, vươn lên chính là tác dụng của các đường chéo trong bức ảnh. Một bức ảnh được khai thác cùng các đường chéo sẽ thể hiện được sự nỗ lực, cố gắng vươn lên, sự sinh động và mang tính thử thách nếu chụp ở góc độ thấp từ dưới lên.

 

  
 
"Running Through The Sand Dunes" của nhiếp ảnh gia Trung Phạm giành giải nhất cuộc thi SkyPixel 2018
 
 

 Ảnh: internet

 

 

 Ảnh: NAG Tuấn Nguyễn

Đường cong, đường uốn lượn

Những dải đồi cát mềm mại với nhiều mảng đậm nhạt nhờ ánh nắng đổ xiên trong sáng sớm hoặc buổi chiều tà, tạo nên những đường nét mềm mại rất ấn tượng có thể làm mê hoặc bất cứ nhiếp ảnh gia nào đã từng thấy. Những tà áo dài tung bay trong gió hòa quyện với những đường cong ẻo lả của một người phụ nữ là những đường con uốn lượn đầy gợi cảm...

 

Một bố cục ảnh trong bối cảnh những đường cong uốn lượn luôn cho người xem cảm giác mềm mại, nhẹ nhàng và nhiều cảm xúc.

 

Đường đồng quy

Để tạo nên sự tập trung thị giác vào một điểm nào đó, bạn có thể khai thác điểm đồng qui. Điểm đồng qui cũng có thể được áp dụng khi ta muốn thể hiện sự đồng tâm hiệp lực. 

 

 

Ảnh: Scenery-Wallpapers 

 

 

Ảnh: Steve McCurry 

 

Ảnh: Steve McCurry 

Đường Zic-zac

Khi muốn nhấn mạnh sự khó khăn, nhiều trục trặc thì một bối cảnh gồm nhiều đường zic-zắc là rất thích hợp, tuy thế đường zic-zắc cũng có thể diễn cảm một tâm trạng hoàn toàn khác, đó là sự vui nhộn, nhí nhảnh.

 

Ảnh: Steve McCurry

 

Ảnh: ShinyPhotoScotland

 

 

Đường viễn vọng

Để thể hiện một cảm giác hun hút - sâu thẳm – phôi pha, ta nên áp dụng kiểu đường viễn vọng vào trong cấu trúc bức ảnh. Một con đường sâu hun hút giữa 2 hàng cây thẳng tắp, đứng trên một hành lang dài giữa hàng cột đều nhau hay trên một đường ray xe lửa xa dần đến hút tầm mắt… luôn tạo cảm giác xao xuyến, xa xăm, vắng lặng, nhiều cảm xúc. Đây cũng là kiểu bố cục hay được ứng dụng trong chụp chân dung.

Nhưng nếu chụp một cặp đôi hạnh phúc thì lại đưa cho người xem cảm xúc về một tương lai rộng mở và đầy mong chờ phía trước. Vậy nên, kiểu đường nét này hay được các nhiếp ảnh gia chụp ảnh cưới dùng đến.

Ảnh: internet

Nếu ở cuối con đường lại điểm thêm một bóng người đi xa dần ở cuối không gian thì lại khiến người xem cảm giác của sự chia ly, sự đơn côi, phiêu bồng lãng tử. Đó là tác dụng trong bối cảnh của đường viễn vọng cũng rất hay được khai thác.

 Ảnh: Penpen studio

 

 Ảnh: internet

Đường hỗn hợp

Để diễn tả sự nhộn nhịp như cảnh sinh hoạt của một buổi chợ hay phố phường đông đúc kẻ ngược, người xuôi. Hay nếu muốn diễn tả sự bế tắc, bề bộn, rắc rối, chúng ta nên khai thác bối cảnh với nhiều loại đường nét cùng hiện diện trong một không gian. Đó được gọi là đường hỗn hợp.

 

 

 Ảnh: BaoNgheAn

KẾT LUẬN

Điều quan trọng để có kỹ năng xây dựng bố cục tốt là bạn cần luyện tập, hãy vác máy đi và chụp thật nhiều!

Kiên nhẫn là điều không thể thiếu đối với một nhiếp ảnh gia, bởi: “Một năm chụp được vài bức ảnh đẹp như ý là bạn đã bội thu rồi!”- ANSEL ADAMS (1902-1984) - nhiếp ảnh gia Mỹ. Chúc bạn sớm có được kết quả như ý! 

 

Tham khảo kỹ thuật nhiếp ảnh: NAG Bùi Minh Sơn.

 

Related Articles